Sự nghiệp ban đầu Vương_Kiến_(Tiền_Thục)

Dưới quyền Dương Phục Quang

Năm 881, quân nổi dậy Hoàng Sào chiếm được kinh đô Trường An của triều Đường, Đường Hy Tông chạy trốn đến Thành Đô. Vương Kiến vẫn phục vụ trong quân Trung Vũ dưới quyền Dương Phục Quang. Giám Trung Vũ quân Dương Phục Quang phân 8.000 lính Trung Vũ thành 8 đạo, giao cho tám nha tướng như Lộc Yến Hoằng, Tấn Huy (晉暉), Vương Kiến, Hàn Kiến, Trương Tạo (張造), Lý Sư Thái (李師泰), và Bàng Tùng (龐從) chỉ huy. Sau đó, Dương Phục Quang dẫn quân tiến về phía tây bắc để hợp binh cùng các đội quân Đường khác nhằm chống Hoàng Sào.[6]

Dưới quyền Lộc Yến Hoằng

Dương Phục Quang qua đời năm 883 khi đang đóng quân ở Hà Trung[chú 4] và vẫn đang giao chiến với Hoàng Sào. Thay vì tiếp tục giao chiến, Lộc Yến Hoằng quyết định đem binh lính đi cướp bóc khu vực.[7] Vương Kiến, Hàn Kiến, Trương Tạo, Tấn Huy và Lý Sư Thái cũng theo Lộc Yến Hoằng.[8] Cũng trong năm 883, Lộc Yến Hoằng chiếm được Hưng Nguyên[chú 5]- thủ phủ của Sơn Nam Tây đạo, trục xuất tiết độ sứ Ngưu Úc (牛勖) và xưng làm lưu hậu.[7] Lộc Yến Hoằng bổ nhiệm Vương Kiến và các tướng Trung Vũ khác làm các thứ sử tại Sơn Nam Tây đạo, song không thực sự cho phép họ đến các châu nhậm chức. Lộc Yến Hoằng đặc biệt nghi ngờ Vương Kiến và Hàn Kiến do 2 người có quan hệ thân thiết, song vì muốn dỗ dành họ nên Lộc Yến Hoằng vẫn thường hậu đãi. Vương Kiến và Hàn Kiến nhận ra ý định của Lộc Yến Hoằng, và đến mùa thu năm 884, khi Tả Thần Sách trung úy Điền Lệnh Tư bí mật lôi kéo, Vương Kiến, Hàn Kiến cùng với Trương Tạo, Tấn Huy và Lý Sư Thái đã từ bỏ Lộc Yến Hoằng để đến Thành Đô phụng sự Điền Lệnh Tư.[8]

Dưới quyền Điền Lệnh Tư

Sau đó, Điền Lệnh Tư tái tổ chức lại các binh sĩ dưới quyền Vương Kiến và những người khác thành một nhóm cấm binh nắm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Điền Lệnh Tư (Thần Sách quân), trong khi phái quân đi đánh Lộc Yến Hoằng và buộc người này phải từ bỏ Sơn Nam Tây đạo. Điền Lệnh Tư cũng nhận Vương Kiến và những người còn lại làm con. Sau khi Hoàng Sào bị đánh bại, Đường Hy Tông trở về Trường An vào mùa xuân năm 885, Điền Lệnh Tư cùng binh sĩ dưới quyền tháp tùng Hoàng đế.[8]

Không lâu sau khi trở về Trường An, Điền Lệnh Tư lại tranh chấp với Hà Trung tiết độ sứ Vương Trọng Vinh. Vào mùa đông năm 885, liên quân Vương Trọng Vinh và Hà Đông[chú 6] tiết độ sứ Lý Khắc Dụng đánh bại liên quân của Điền Lệnh Tư, Tĩnh Nan[chú 7] tiết độ sứ Chu Mai và Phượng Tường[chú 8] tiết độ sứ Lý Xương Phù; Điền Lệnh Tư lại đưa Đường Hy Tông chạy trốn. Trong lúc chạy trốn, đoàn của triều đình bị gặp phải trở ngại do làn sóng người tị nạn, Vương Kiến và Tấn Huy được cho làm Thanh đạo trảm chước xứ, Vương Kiến dùng trường kiếm "dọn đường" cho Hoàng đế tiến về phía trước, Đường Hy Tông đem "truyền quốc bảo" trao cho Vương Kiến giữ gìn, đến đêm thì nắm ngủ bên Vương Kiến.[8]

Điền Lệnh Tư nhận thấy tình thế bất lợi, do vậy quyết định từ vị, tự giáng mình làm Tây Xuyên giám quân sứ, sau đó chạy đến chỗ đệ là Tây Xuyên[chú 9] tiết độ sứ Trần Kính Tuyên. Dương Phục Cung kế nhiệm Điền Lệnh Tư cai quản Thần Sách quân, người này không muốn các thân cận của Điền Lệnh Tư ở bên mình nên lệnh cho Vương Kiến, Tấn Huy, Trương Tạo và Lý Sư Thái đi làm thứ sử ở các châu, Vương Kiến nhậm chức Lợi châu[chú 10] thứ sử. Sau khi con nuôi của Dương Phục Cung là Dương Thủ Lượng (楊守亮) trở thành Sơn Nam Tây đạo tiết độ sứ vào năm 887, Vương Kiến trở thành thuộc cấp của Dương Thủ Lượng.[8]

Dưới quyền Dương Thủ Lượng

Dương Thủ Lượng lo sợ vì nhận thấy Vương Kiến kiêu dũng thiện chiến, do vậy nhiều lần triệu Vương Kiến đến Hưng Nguyên, song Vương Kiến không rõ mục đích của Dương Thủ Lượng nên từ chối đến yết kiến. Thuộc cấp của Vương Kiến là Chu Tường (周庠) chỉ ra rằng Lợi châu không phải là địa điểm phòng thủ lý tưởng, Vương Kiến đồng ý và quyết định tiến công Lãng châu[chú 11], trục xuất thứ sử Dương Mậu Thật (楊茂實), đoạt lấy Lãng châu và tự xưng làm phòng ngự sứ, chiêu nạp vong mệnh quân, thế càng thịnh, Dương Thủ Lượng không thể quản nổi. Nghe theo ý của Trương Kiến Dụ (張虔裕) và Ký Vô Gián (綦毋諫), Vương Kiến phụng biểu cho Đường Hy Tông và cứu giúp người dân. Ông cũng kết bằng hữu với Đông Xuyên[chú 12] tiết độ sứ Cố Ngạn Lãng do cả hai đều từng đi chiến đấu khi còn phục vụ trong Thần Sách quân.[8]

Chống Trần Kính Tuyên

Vào mùa đông năm 887, do Trần Kính Tuyên lo sợ rằng Vương Kiến và Cố Ngạn Lãng sẽ hợp binh tiến công Tây Xuyên. Điền Lệnh Tư đề xuất rằng để mình dùng danh nghĩa cha nuôi để cố chiêu dụ Vương Kiến, Trần Kính Tuyên chấp thuận. Sau khi nhận được thư của Điền Lệnh Tư, Vương Kiến để gia quyến ở lại chỗ của Cố Ngạn Lãng tại Tử châu, đem 2.000 tinh binh cùng tụng tử Vương Tông Hội (王宗鐬), giả tử Vương Tông Dao (王宗瑤), Vương Tông Bật (王宗弼), Vương Tông Khản (王宗侃), Vương Tông Cát (王宗佶), Vương Tông Biện (王宗弁) tiến về Thành Đô quy phục. Tuy nhiên, khi Vương Kiến tiến đến Lộc Đầu quan, thuộc hạ của Trần Kính Tuyên là Lý Nghệ (李乂) lại cho rằng Vương Kiến là một mối đe dọa và Trần Kính Tuyên quyết định lệnh cho Vương Kiến không tiến thêm nữa. Vương Kiến tức giận, đánh bại các binh lính mà Trần Kính Tuyên phái đến để ngăn cản, tiến đến Thành Đô. Vương Kiến đánh bại Hán châu[chú 13] thứ sử Trương Húc (張頊), và cho đệ của Cố Ngạn Lãng là Cố Ngạn Huy (顧彥暉) tiếp quản, Vương Kiến và Cố Ngạn Lãng sau đó tiến công Thành Đô song không thể nhanh chóng chiếm được thành. Khi Đường Hy Tông khiển sứ giả đến làm trung gian hòa giải, cả Vương Kiến và Trần Kính Tuyên đều không chấp thuận. Theo ghi chép thì quân của Vương Kiến cướp phá toàn bộ 12 châu của Tây Xuyên quân.[9]

Thành Đô phòng thủ kiên cố, các cuộc tiến công của Vương Kiến đều thất bại, lương thực của Vương Kiến cũng sớm cạn kiệt. Vào mùa hè năm 888, Vương Kiến định bãi binh, song sau khi Chu Tường và Kỳ Vô Gián can gián, ông lại tiếp tục chiến dịch. Vương Kiến sai Chu Tường thảo biểu thỉnh Đường Chiêu Tông hạ lệnh thảo phạt Trần Kính Tuyên, cầu được trao cho Cung châu[chú 14]; Cố Ngạn Lãng cũng thượng biểu thỉnh Hoàng đế xá tội cho Vương Kiến, chuyển Trần Kính Tuyên đi để bình định Lưỡng Thục. Do có thù oán từ trước với Điền Lệnh Tư, Đường Chiêu Tông bổ nhiệm Vi Chiêu Độ làm Tây Xuyên tiết độ sứ, đồng thời triệu hồi Trần Kính Tuyên về Trường An. Khi Trần Kính Tuyên kháng chỉ, Đường Chiêu Tông bãi bỏ quan tước của Trần Kính Tuyên, bổ nhiệm Vi Chiêu Độ là Hành doanh chiêu thảo sứ, cùng Dương Thủ Lượng, Cố Ngạn Lãng, và Vương Kiến tiến công Trần Kính Tuyên. Đường Chiêu Tông cũng tách bốn châu: Cung, Thục, Lê, Nhã từ Tây Xuyên quân để lập thành Vĩnh Bình quân với trị sở đặt tại Cung châu, cho Vương Kiến giữ chức tiết độ sứ.[9]

Vào mùa xuân năm 890, Vương Kiến công Cung châu. Cùng lúc đó, Vi Chiêu Độ tiến đến vùng lân cận Thành Đô, Vương Kiến ra ngoài doanh trại nghênh tiếp. Vào tháng 4 ÂL, Trần Kính Tuyên khiển Thục châu thứ sử Nhâm Tòng Hải (任從海) đem hai vạn binh cứu Cung châu, kết quả chiến bại, Thục châu hàng Vương Kiến. Cùng tháng, Gia châu thứ sử và Nhung châu thứ sử cũng hàng Vương Kiến. Đến mùa đông năm 890 thì Vương Kiến chiếm được Cung châu, cho phép ông dùng nơi này làm căn cứ cho chiến dịch.[10]

Tuy nhiên, vào mùa xuân năm 891, do triều đình Đường vừa thất bại trong cuộc chiến với Lý Khắc Dụng, cạn nguồn tài vật cho chiến dịch chống Trần Kính Tuyên. Do đó, Đường Chiêu Tông hạ chỉ khôi phục quan tước cho Trần Kính Tuyên, các tiết độ sứ trở về quân của mình. Tuy nhiên, Vương Kiến không muốn từ bỏ chiến dịch chống Trần Kính Tuyên, và thoạt đầu cố gắng thuyết phục Vi Chiêu Độ tiếp tục vây thành, song sau đó quay sang buộc Vi Chiêu Độ phải về Trường An để có thể tự mình tiến hành chiến dịch. Vương Kiến kích động các thuộc hạ của Cố Ngạn Lãng sát hại thân lại của Vi Chiêu Độ là Lạc Bảo (駱保) với lý do Lạc Bảo tham ô, mục đích là để đe dọa Vi Chiêu Độ. Vi Chiêu Độ lo sợ, xưng bệnh và giao lại quyền chỉ huy cho Vương Kiến, bản thân trở về Trường An. Vương Kiến tiếp tục bao vây Thành Đô, trong thành xảy ra nạn đói. Vào mùa thu năm 891, tình thế Thành Đô càng trở nên vô vọng, Vương Kiến cắt đứt tuyến đường tiếp tế duy nhất còn lại của thành từ Uy Nhung quân[chú 15]. Điền Lệnh Tư đích thân đến doanh trại của Vương Kiến và đề nghị đầu hàng, Vương Kiến chấp thuận. Vương Kiến sau đó được Đường Chiêu Tông bổ nhiệm làm Tây Xuyên tiết độ sứ, Vĩnh Bình được hợp nhất trở lại vào Tây Xuyên.[10]